Ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo phổ biến Nghị định số 147/2020/NĐ – CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, thảo luận về dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định và phát hành trái phiếu xanh của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương tại Ba Rịa - Vũng Tàu. Đoàn Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình gồm 8 cán bộ do ông Nguyễn Hữu Thạch làm trưởng đoàn cũng đã đến tham dự theo Giấy mời số 20/GM – TCNH ngày 18/01/2021 của Bộ Tài chính.
Hội thảo lần này giúp cho các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương không bị lúng túng trước khi áp dụng. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó vụ trưởng vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính khẳng định sự ra đời của Nghị định số 147/2020/NĐ – CP có ý định quan trọng đối với hoạt động của hệ thống Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đó là:
1. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ thông qua việc tạo cơ sở pháp lý đồng bộ;
2. Tạo điền kiện thuận lợi để khắc phục khó khăn mà các Quỹ đã gặp trong thời gian qua;
3. Hoạt động huy động vốn của các Quỹ sẽ được mở rộng thông qua phát hành trái phiếu xanh.
Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó vụ trưởng vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính phát biểu khai mạc hội thảo
Sau khi ông Nguyễn Hoàng Dương phát biểu khai mạc, đại diện vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, bà Lê Ngọc Chi lên trình bày và giới thiệu về Nghị định 147/2020/NĐ – CP.
Về cơ bản nội dung Nghị định 147/2020/NĐ – CP kế thừa các quy định tại Nghị định số Nghị định số 138/2007/NĐ – CP ngày 28/8/2007 của Chính Phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ – CP ngày 22/04/2013 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ – CP.
Đối với mô hình tổ chức của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương kế thừa quy định tại Nghị định 138/2007/NĐ – CP, tuy nhiên Nghị định số 147/2020/NĐ – CP đã bổ sung các quy định về quản lý giám sát trong đó UBND tỉnh với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu đóng vai trò quan trọng trong quản lý giám sát.
Về cơ chế tiền lương tiền thưởng Nghị định mới quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh & xã hội trong việc hướng dẫn cơ chế tiền lương tiền thưởng của Quỹ theo nguyên tắc áp dụng quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, đặc biệt có tính đến các đặc thù hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Quy định này đã giải quyết cơ bản các vướng mắc về cơ chế tiền lương tiền thưởng được quy định tại Nghị định cũ trong đó đặc biệt là vướng mắc về xếp hạng đối với Quỹ trong đó phải kể đến quy định chưa được hợp lý về các chỉ tiêu tính toán để phục vụ việc xếp hạng bao gồm chỉ tiêu về nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận của Quỹ trong khi Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận và được ưu đãi về thuế. Nhấn mạnh về nội dung này bà Ngọc Chi khẳng định trong thời gian tới sau khi Bộ Lao động - Thương binh & xã hội rà soát và sửa đổi thông tư có quy định về cơ chế tiền lương tiền thưởng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Quỹ để xây dựng cơ chế tiền lương tiền thưởng phù hợp nhất với đặc thù hoạt động của các Quỹ.
Quy định về phân phối chênh lệch thu chi thì Nghị định 147/2020/NĐ – CP vẫn quy định trích quỹ dự phòng tài chính để đảm bảo an toàn hoạt động của Quỹ, quy định này tương tự quy định đối với các tổ chức tín dụng và các quỹ tài chính ngoài ngân sách có hoạt động cho vay.
Đối với nhóm chính sách về quy mô và hiệu quả hoạt động của Quỹ, quy định về quy trình và điều kiện thành lập Quỹ. Quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ – CP đã quy định chi tiết cụ thể. Một quy định hoàn toàn mới được lưu ý trong Nghị định 147/2020/NĐ – CP đó là quy định về giải thể được thực hiện theo Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 27/8/2015 về việc tăng cường công tác quản lý đối với các Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà, theo đó Thủ tướng nhấn mạnh cần rà soát hoạt động của các Quỹ tài chính ngoài ngân sách, Quỹ nào hoạt động có hiệu quả thì cần được bổ sung nguồn lưc, những Quỹ nào hoạt động chưa hiệu quả thì cần có cơ chế để thực hiện giải thể. 04 trường hợp giải thể các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là những quy định hoàn toàn mới được nêu rõ tại Điều 43 Nghị định 147/2020/NĐ – CP. Như vậy đối với những Quỹ Đầu tư phát triển địa phương trong thời gian 03 năm mà vốn điều lệ thực có chưa đủ 300 tỷ đồng thì cần có phương án báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh có phương án cấp bổ sung Vốn điều lệ cho Quỹ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đối với nhóm chính sách về nâng cao hiệu quả hoạt động đã tập trung vào các hoạt động của Quỹ. Trong đó có một nội dung đáng lưu ý đối với điều kiện cho vay đó là về cơ bản có kế thừa quy định tại nghị định cũ, tuy nhiên điểm mới ở đây có bổ sung điều kiện đối với chủ đầu tư của dự án cho vay không phải là công ty con của Quỹ. Bên cạnh đó đối với lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ khi xây dựng phải tính đến chi phí cơ hội của nguồn vốn chủ sở hữu.
Riêng đối với hoạt động đầu tư của Quỹ, ngoài những quy định mới được nêu rõ trong Nghị định 147/2020/NĐ – CP, có điểm mới cần đặc biệt lưu ý đó là nghị định mới khẳng định việc đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương không phải là hoạt động đầu tư công điểm mới này giúp các Quỹ tránh nhiều vướng mắc trong thời gian vừa qua.
Như vậy Nghị định mới quy định về hoạt động của các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương khi được ban hành sẽ giúp các Quỹ giải quyết rất nhiều trong giải quyết các vướng mắc đã gặp trước kia đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng cho các Quỹ trong triển khai các hoạt động cũng như dễ dàng hơn trong quá trình làm việc với các sở ngành.
Nội dung tiếp theo được triển khai tại Hội thảo là nội dung liên quan tới phát hành trái phiếu xanh. Với sự cần thiết của việc tìm kiếm nguồn vốn huy động cho các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ngoài nguồn vốn được ngân sách Nhà nước cấp, việc phát hành trái phiếu xanh là việc làm cần thiết phù hợp với xu thế chung của nhiều nước tiến bộ trên thế giới. Các nguồn vốn được huy động từ phát hành trái phiếu xanh được sử dụng để đầu tư cho các dự án xanh bao gồm cải tạo nâng cấp mội trường, giảm rác thải…Với những Quỹ có đủ điều kiện thì đây là một kênh huy động vốn thực sự hiệu quả.
Xu hướng chung trên toàn thế giới
Nội dung cuối cùng được triển khai tại Hội thảo là dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 147/2020/NĐ – CP. Nội dung này cũng được các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thảo luận sôi nổi tại Hội thảo. Do tính chất quan trọng của thông tư hướng dẫn kết thúc Hội thảo đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính phát biểu mong muốn các Quỹ tiếp tục tập trung nghiên cứu và gửi ý kiến đóng góp về Vụ thông qua Hiệp hội các Quỹ để tổng hợp trình cấp trên sớm ban hành.
Tại Hội thảo đoàn Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình đã tham dự đầy đủ các nội dung do Ban tổ chức triển khai để nắm bắt kịp thời các quy định mới của Nghị định số 147/2020/NĐ – CP. Đồng thời các thành viên trong đoàn cũng tranh thủ giao lưu với Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính và các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương khác để trao đổi học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ./.
Tác giả bài viết: Văn phòng
Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình: 720/QĐ-UBND
V/v bổ nhiệm chức danh kiêm nhiệm (đ/c Nguyễn Hữu Thạch)Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình: 719/QĐ-UBND
V/v bổ nhiệm chức danh kiêm nhiệm (đ/c Nguyễn Văn Sáng)Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình: 06/QĐ-HĐQL
QĐ Ban hành Quy chế cho vay ưu đãi của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh BìnhQuỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình: 05/QĐ-HĐQL
QĐ Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh BìnhQuỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình: 529/QĐ-UBND
Quyết định Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh BìnhQuỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?