Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình
Thứ bảy, 27/04/2024
Chủ đề công tác: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2024 "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất"

Chính phủ đề nghị giữ Quỹ Phát triển đất

Thứ năm, 04/01/2024 Đã xem: 100

Theo Chính phủ, nếu bỏ Quỹ Phát triển đất sẽ dẫn đến thiếu linh hoạt, chủ động trong tạo quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư, các dự án sẽ phải kéo dài khâu giải phóng mặt bằng…

Article thumbnail

Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 trong tháng 1 này. Trước khi trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Tại báo cáo một số nội dung về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Quỹ Phát triển đất (Điều 114).

Bỏ Quỹ phát triển đất sẽ thiếu linh hoạt trong tạo quỹ đất

Chính phủ cho hay, Quỹ Phát triển đất không phải là chính sách mới mà đã được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, 2013.

Quỹ Phát triển đất có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực tế, thời gian qua, Quỹ Phát triển đất là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư; phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực và tăng thu ngân sách.

Chính phủ khẳng định, nếu bỏ Quỹ Phát triển đất sẽ dẫn đến thiếu linh hoạt, chủ động trong tạo quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư, các dự án sẽ phải kéo dài khâu giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, không khả thi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

“Việc phải có Quỹ Phát triển đất là góp phần thực hiện thể chế đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 18 của Trung ương”, theo Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ dẫn Nghị quyết 18 nêu “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, “hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Thêm nữa, tiếp tục quy định về Quỹ Phát triển đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 6.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị giữ quy định về Quỹ Phát triển đất trong Luật Đất đai sửa đổi.

Bảo đảm nguồn vốn cho Quỹ Phát triển đất

Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo nguồn vốn cho Quỹ Phát triển đất hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Đồng thời có cơ chế để Quỹ Phát triển đất bảo toàn vốn đối với trường hợp đã ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Lý giải đề xuất này, Chính phủ cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành quy định không hỗ trợ ngân sách cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Luật cũng quy định tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước mà không khấu trừ chi phí đã phải ứng trước để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng hạ tầng để tạo quỹ đất đấu giá.

Điều này làm tê liệt hoạt động của Quỹ Phát triển đất do không được cấp vốn và không có cơ chế hoàn vốn để bảo toàn vốn, đảm bảo tính khả thi của các quy định liên quan đến Quỹ Phát triển đất tại Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

1. Quỹ Phát triển đất của địa phương là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tinh thành lập để tiếp nhận và ứng vốn phục vụ các nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất quy định tại luật này, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn tài chính của Quỹ Phát triển đất được phân bổ từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

3. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ Phát triển đất.

4. Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ, và cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển đất.

 (Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Điều 114: Quỹ Phát triển đất)

Hương Giang

Nguồn tin: Thanhtra.com.vn

Liên kết Website
Khảo sát

Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 9362444
  • Trực tuyến: 22
  • Hôm nay: 813