Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình
Thứ sáu, 20/09/2024
Chủ đề công tác: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2024 "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất"

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

     Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cực nam của Đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía Nam, diện tích tự nhiên gần 1.391 km2, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Với lợi thế gần thủ đô và vùng trung tâm kinh tế phía Bắc, Ninh Bình có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh hòa nhập cùng xu thế đổi mới của đất nước và nhu cầu hội nhập kinh tế, mở rộng thị trường, tỉnh Ninh Bình cần có nguồn lực vốn lớn để đầu tư phát triển. Do vậy, việc thành lập một tổ chức tài chính giúp chính quyền địa phương từng bước thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa đầu tư phục vụ cho phát triển và chuyển hóa từ hoạt động cấp phát sang hoạt động cho vay là rất quan trọng, đóng vai trò “vốn mồi” thu hút các nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.

     Được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, ngày 26/12/2003 Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 2782/QĐ-UB của UBND tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004 với chức năng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được UBND tỉnh giao theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Từ khi thành lập hoạt động của Quỹ được uỷ thác cho Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Ninh Bình nay là Chi nhánh Ngân hàng phát triển tỉnh Ninh Bình quản lý.

     Ngày 28/8/2007, để tạo hành lang pháp lý thống nhất cho các Quỹ hoạt động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, theo đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 29/4/2008 về việc tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 12/5/2008 về việc ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của Quỹ nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ vẫn được uỷ thác cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển Ninh Bình quản lý.

     Tháng 6/2010, Quỹ được sắp xếp lại bộ máy nhân sự và kiện toàn lại bộ phận giúp việc của Quỹ theo Văn bản số 71/UBND-VP7 ngày 19/3/2010 và Văn bản số 159/UBND-VP7 ngày 26/5/2010 của UBND tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Quỹ chính thức đi vào hoạt động độc lập với cơ cấu tổ chức, bộ máy gồm: Hội đồng quản lý có 05 thành viên, hoạt động kiêm nhiệm; Ban Kiểm soát Quỹ có 01 đồng chí là Trưởng Ban hoạt động kiêm nhiệm và Bộ máy điều hành Quỹ gồm: Giám đốc là Phó Giám đốc Sở Tài chính, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ và 03 cán bộ chuyên trách. Trụ sở làm việc của Quỹ được bố trí tại Tầng 3 – Trung tâm Dịch vụ Tài chính công, Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình.

(ảnh kiện toàn HĐQL Quỹ ngày 10/6/2010)

     Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, 10 năm kiện toàn hoạt dộng độc lập; Quỹ luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình từ một quỹ tài chính có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn hoạt động hạn chế, đã từng bước nâng dần năng lực tài chính, huy động vốn từ WB thông qua Dự án quỹ đầu tư phát triển địa phương vay lại của Bộ Tài chính để mở rộng quy mô, hiệu quả hoạt động ngày càng phát triển và đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(ảnh tập thể Quỹ chụp kỷ niệm 20 năm)

     Ngay sau khi kiện toàn đi vào hoạt động độc lập, Quỹ tiến hành rà soát tổng thể các quy chế, quy trình hoạt động nghiệp vụ; tham mưu UBND tỉnh và HĐQL Quỹ sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy chế, quy trình khác theo quy định tại Nghị định 138/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 37/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Thông tư số 28/2014/TT-BTC ngày 25/02/2014 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và Thông tư số 42/2014/TT-BTC ngày 08/04/2014 về việc ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Trên cơ sở đó, Quỹ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ tại Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 23/7/2014 đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Quỹ được UBND tỉnh Ninh Bình bố trí địa điểm xây dựng Trụ sở làm việc tại đường Nguyễn Bặc, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Tháng 12/2016, Quỹ chuyển về trụ sở làm việc mới và đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và từng bước thực hiện quy trình chuyển đổi số.

     Ngày 18/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2020/NĐ-CP  Quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Ngày 06/10/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 86/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 147/2020/NĐ-CP. Theo đó, Quỹ tham mưu UBND tỉnh đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ tại Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 và Hội đồng quản lý Quỹ ban hành bộ quy chế, quy trình hoạt động nghiệp vụ của Quỹ đảm bảo quy định hiện hành.

     Đến nay khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ tương đối đầy đủ, tổ chức bộ máy của Quỹ đã hoàn thiện, đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ tỉnh giao.

     * Hiện tại, cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm:

     Hội đồng quản lý có 05 thành viên hoạt động kiêm nhiệm, trong đó: Chủ tịch Hội đồng quản lý là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Các thành viên còn lại là Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Ninh Bình và Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh.

     Ban kiểm soát có 02 thành viên hoạt động kiêm nhiệm, trong đó: Trưởng Ban Kiểm soát là Trưởng phòng Tổng hợp Ngân sách, Sở Tài chính và thành viên Ban kiểm soát là Phó trưởng phòng Tài chính – Doanh nghiệp, Sở Tài chính.

     Ban điều hành gồm: Giám đốc Quỹ, các Phó Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc là 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ với gần 40 cán bộ, nhân viên hoạt động chuyên trách, trong đó 100% có trình độ đại học và trên đại học, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quỹ trong giai đoạn hiện nay. Chức năng, nhiệm vụ của các Phòng chuyên môn nghiệp vụ như sau:

     - Văn phòng Quỹ có chức năng tham mưu trong việc ban hành các quy định, nội quy, quy chế để chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của Quỹ; quản lý, theo dõi, đôn đốc thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác, công tác nội vụ cơ quan; công tác tổ chức, đào tạo, thi đua khen thưởng và kỷ luật; hành chính quản trị; tham mưu tổng hợp. Và nhiệm vụ: Quản lý, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi việc, nghỉ chế độ ... đối với người lao động; Thực hiện các chế độ về chính sách lao động - tiền lương và các chế độ khác; Xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển dụng lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên, người lao động thuộc Quỹ; Triển khai hướng dẫn, tổng hợp công tác thi đua, khen thưởng; đánh giá xếp loại cán bộ nhân viên, người lao động theo quy định; Triển khai thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của cán bộ nhân viên, người lao động theo quy định. Đồng thời thực hiện các công việc thuộc công tác tham mưu tổng hợp và hành chính quản trị.

     - Phòng Tài chính – Kế hoạch có chức năng Tham mưu và triển khai các hoạt động về công tác kế hoạch, công tác quản lý tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động; cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Và nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch Tài chính hàng năm, Kế hoạch hoạt động hàng năm, trung và dài hạn của Quỹ; Kế hoạch huy động vốn, tìm kiếm và tổ chức thực hiện huy động vốn theo quy định; Tổng hợp đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện huy động vốn định kì hoặc đột xuất theo quy định; Phân tích, hoạch định và đề xuất phân bổ cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Quỹ trong từng thời kỳ; tổ chức quản lý và sử dụng các nguồn vốn, tài sản của Quỹ đảm bảo phát huy hiệu quả và phù hợp với cơ chế quản lý tài chính hiện hành; Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; tổng hợp báo cáo định kỳ quý/năm hoặc đột xuất theo yêu cầu; Tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch. Đồng thời thực hiện công tác tài chính, kế toán theo quy định hiện hành.

     - Phòng Tín dụng có chức năng Tham mưu, giúp Giám đốc Quỹ trong việc lập kế hoạch, thẩm định và cho vay các dự án từ nguồn vốn hoạt động của Quỹ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định hiện hành. Và nhiệm vụ: Tiếp nhận và thẩm định các dự án cho vay đầu tư theo đúng Điều lệ tổ chức hoạt động, quy chế, quy trình của Quỹ và các văn bản có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, đồng thời quản lý các khoản vay theo quy định; Tham mưu, đề xuất xây dựng các văn bản quy định liên quan đến công tác thẩm định, cho vay. Lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đối với hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ theo năm và theo từng giai đoạn; Chủ động đề xuất các giải pháp để hoàn thành kế hoạch đã xây dựng; Triển khai, tìm kiếm và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo quy định; Quản lý hồ sơ, giấy tờ liên quan đến khách hàng vay vốn tại Quỹ.

     - Phòng Quản lý uỷ thác có chức năng Tham mưu, giúp Giám đốc Quỹ trong việc lập kế hoạch, tổ chức và quản lý các nguồn vốn từ hoạt động nhận ủy thác và ủy thác. Và nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hoạt động ủy thác và nhận uỷ thác theo Hợp đồng nhận ủy thác và các quy định có liên quan; Tham mưu, đề xuất xây dựng quy trình và các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động ủy thác trình Giám đốc Quỹ ban hành để thực hiện; Quản lý, lưu trữ hồ sơ theo quy định; Báo cáo tình hình thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động ủy thác của Quỹ định kỳ tháng/quý/năm theo yêu cầu quản lý.

     - Phòng Quản lý đầu tư có chức năng Tham mưu, giúp Giám đốc Quỹ trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp và hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định. Và nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch đầu tư và sử dụng vốn đầu tư hàng năm và cho từng giai đoạn; Xúc tiến, tìm kiếm các dự án, cơ hội đầu tư; Tổ chức thực hiện lập, thẩm định chủ trương đầu tư, báo cáo đầu tư dự án; Tổ chức triển khai, quản lý, vận hành, khai thác các hoạt động đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp. Đánh giá hiệu quả và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu quản lý; Quyết toán dự án đầu tư, đề xuất và tổ chức thực hiện phương án kết thúc dự án đầu tư, phương án thu hồi vốn/thoái vốn đầu tư, phương án hoàn trả vốn huy động (nếu có); Dự thảo các quy chế quản lý, quy trình nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp của Quỹ; Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động của phòng theo quy định hiện hành.

     Song song với quá trình hoàn thiện cơ cấu tổ chức hoạt động thì Chi bộ và các tổ chức đoàn thể Tổ công đoàn và Phân đoàn thanh niên của Quỹ cũng được hình thành và phát triển.

     * Kết quả hoạt động

     Kể từ khi kiện toàn hoạt động độc lập, tuy Quỹ hoạt động trên nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, nhưng kết quả hoạt động tài chính của Quỹ luôn đạt và vượt các chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Doanh thu và lợi nhuận luôn có sự tăng trưởng qua từng năm, tỷ lệ sử dụng vốn hoạt động năm sau cao hơn năm trước, các chức năng, nhiệm vụ được thực hiện tương đối đầy đủ như: huy động vốn, cho vay đầu tư, đầu tư trực tiếp, nhận ủy thác.

     - Hoạt động cho vay đầu tư: Từ năm 2011 đến nay, Quỹ đã cho vay gần 90 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh với tổng mức đầu tư trên 2.500.000 triệu đồng. Tổng số tiền giải ngân gần 600.000 triệu đồng, chiếm 24% tổng mức đầu tư các dự án. Với vai trò là “nguồn vốn mồi”, với 01 đồng vốn của Quỹ đã thu hút được 4,2 đồng vốn từ các thành phần kinh tế cùng tham gia bỏ vốn đầu tư. Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay của Quỹ đạt trên 200.000 triệu đồng, tăng hơn 8,3 lần so với năm 2010.

     Các khoản cho vay đều tuân thủ về giới hạn cho vay theo quy định của Chính phủ và Điều lệ Quỹ. Tỷ trọng cơ cấu vốn giải ngân cho vay được phân theo từng lĩnh vực như sau: hạ tầng giáo dục chiếm 16,2%; hạ tầng giao thông, đô thị chiếm 17,3%; hệ thống cấp thoát nước sạch và các sản phẩm thân thiện với môi trường chiếm 18%; phát triển văn hoá, thể thao chiếm 7,2%.

     - Hoạt động đầu tư trực tiếp: Tháng 7/2014, Quỹ bắt đầu triển khai hoạt động đầu tư trực tiếp với các dự án góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương, gồm:

     Dự án chợ Nhạc, xã Khánh Nhạc, huyện yên Khánh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 01/7/2014 với quy mô chợ hạng III, diện tích xây dựng 2.674m2, tổng mức đầu tư là 8.921 triệu đồng và Dự án chợ Bút, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/4/2015 với quy mô chợ hạng II xây dựng trên diện tích 12.506 m2, tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là: 16.238 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại 02 chợ đã đi vào hoạt động ổn định với cơ sở vật chất khang trang, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí để về đích đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

     Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng  khu nhà ở thương mại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình” có tổng mức đầu tư là 66.116 triệu đồng. Năm 2018, Quỹ đã tiến hành bán đấu giá giá trị quyền sử dụng đất của dự án và thu hồi hết vốn đầu tư.

     * Hoạt động nhận ủy thác: Năm 2011, Quỹ nhận ủy thác quản lý hoạt động Quỹ Phát triển đất tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 của UBND tỉnh Ninh Bình, với số vốn điều lệ được cấp khi thành lập là 10.000 triệu đồng. Đến cuối năm 2023 số vốn điều lệ được cấp trên 1.510.000 triệu đồng.

     Quỹ đã thẩm định trình UBND tỉnh chấp thuận cho 85 dự án ứng vốn để chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB đấu giá quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các dự án đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch về thu tiền sử dụng đất đã được HĐND tỉnh giao với số tiền giải ngân trên 1.168.000 triệu đồng; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị ứng vốn trả nợ đầy đủ đúng hạn với số tiền đã thu hồi hơn 900.000 triệu đồng. Hiện tại, Quỹ đang theo dõi 10 dự án ứng vốn với tổng dư nợ vốn ứng gần 300.000 triệu đồng.

     Nhận uỷ thác quản lý Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình. Hiện tại, Quỹ đang trình UBND tỉnh ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý để Quỹ hoạt đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

     * Những kết quả nổi bật

     Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; Hội đồng quản lý Quỹ, sự phối hợp của các Sở, ngành có liên quan và sự chủ động, linh hoạt của Ban lãnh đạo Quỹ trong vận dụng và thực hiện hành lang pháp lý đối với các lĩnh vực hoạt động của Quỹ. Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình đã từng bước khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả nổi bật sau:

     - Việc thành lập Quỹ đã tạo công cụ cho UBND tỉnh tập trung những nguồn vốn nhỏ, lẻ tích luỹ được để hình thành nguồn vốn lớn hơn phục vụ cho đầu tư phát triển. Từng bước chuyển hóa các hoạt động cấp phát sang hoạt động cho vay có thu hồi vốn, để tái đầu tư nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Nguồn vốn điều lệ do ngân sách tỉnh cấp ban đầu được bảo toàn và phát triển; thu nhập và chênh lệch thu, chi tăng dần qua các năm. Đây là một tín hiệu tích cực, khẳng định hướng đi và phát triển đúng của Quỹ là một tổ chức tài chính có nhiệm vụ thu hút nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài  nước để đầu tư và tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương như mục tiêu được đặt ra khi thành lập Quỹ.

     - Hoạt động của Quỹ đã thực hiện huy động được nguồn vốn cho vay lại từ WB thông qua Bộ Tài chính góp phần tích cực vào việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa các hoạt động đầu tư, tiếp cận cơ chế thị trường thông qua nhiệm vụ là cầu nối giúp chính quyền địa phương tiếp cận và huy động vốn trên thị trường. Đồng thời, hoạt động của Quỹ bước đầu đóng vai trò là chủ thể định hướng và dẫn dắt các hoạt động đầu tư trên địa bàn, tập trung đầu tư theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời kích thích các chủ thể kinh tế khác trên địa bàn cùng tham gia đầu tư.

     - Hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ đối với các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp dân cư, như các công trình hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, xử lý nước thải, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp... Việc đầu tư, xây dựng và sớm đưa các công trình này vào khai thác sử dụng đã tạo ra năng lực sản xuất mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà.

     - Quỹ đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị do chính quyền địa phương giao không vì mục tiêu lợi nhuận thông qua hoạt động quản lý nguồn vốn ủy thác cho vay và nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính khác của tỉnh.

     * Thành tích đạt được

     - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020;

     - Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021 của Chính phủ.

     - Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh năm 2018.

     - Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình năm: 2014, 2015, 2017, 2021, 2022.

     - Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ (26/12/2003 – 26/12/2023).

              

 

   

   

Liên kết Website
Khảo sát

Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 9461599
  • Trực tuyến: 10
  • Hôm nay: 768