Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình
Thứ bảy, 27/04/2024
Chủ đề công tác: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2024 "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất"

Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình kết nối thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp sản xuất cói Kim Sơn Ninh Bình

Thứ bảy, 02/12/2023 Đã xem: 96

     Ngày 27/7/2023, ông Nguyễn Hữu Thạch - Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình, ủy viên Ban Chấp hành của Hiệp hội các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (ALDIF) đã tham gia Đoàn công tác dự “Diễn đàn Kinh tế Kiều bào lần thứ II và kết nối hợp tác địa phương, doanh nghiệp Việt Nam – Kyushu” tại Nhật Bản trong thời gian từ ngày 05/10/2023 đến ngày 10/10/2023.

     Bên lề diễn đàn, đồng chí Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình đã làm việc với ông Nguyễn Thanh Bình chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhân lực Việt Nam Thái Bình Dương (MVP) để kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến sản phẩm cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát của tỉnh Ninh Bình để hướng tới việc từng bước có thể đưa sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản.

     Ngày 19/11/2023, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình đã trực tiếp làm đầu mối kết hợp với Công ty cổ phần nhân lực Việt Nam Thái Bình Dương (MVP) tổ chức đoàn công tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản tới thăm trực tiếp các cơ sở sản xuất cói Kim Sơn tại Ninh Bình: Công ty TNHH MTV TM&DV Phú Thịnh tại xóm 7A xã Kim Chính, huyện Kim Sơn và Công ty TNHH xuất nhập khẩu cói Năng Động tại phố Trì Chính, Thị Trấn Phát Diệm, Huyện Kim Sơn.

     Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp sản xuất cói Kim Sơn, Ninh Bình đã giới thiệu về các đặc trưng cũng như quy trình sản xuất và sản phẩm tới các doanh nghiệp Nhật Bản.

     Cây cói đã có ở vùng đất Kim Sơn gần hai thế kỷ và trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân nơi đây đã tạo nên những cánh đồng cói mênh mông trên những bãi bồi. Người dân Kim Sơn có đặc thù sống trong cái nôi làng nghề cói từ cách đây hàng trăm năm nên có đầy đủ tố chất của một người thợ thủ công chân chính, một bàn tay khéo léo, sự nhạy bén, tính linh hoạt cao, sự nhanh nhạy và đam mê nghề nghiệp. Những tố chất này giúp cho họ đáp ứng được những đòi hỏi dù là khắt khe của nghề, tạo dựng nên nghề trồng cói, chế biến cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nổi tiếng xa gần và được người tiêu dùng trong và ngoài nước rất ưa chuộng.

     Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt cói và hoàn thiện sản phẩm.

     Ngoài ra, để có được những mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất cói đã phối hợp chặt chẽ với phía đối tác để lên ý tưởng, thiết kế mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm, nhất là trong quá trình xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ đó mà sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

     Kết quả đạt được sau khi tọa đàm, trao đổi: Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao chất lượng sản phẩm cói Kim Sơn Ninh Bình, quy trình sản xuất và quy mô doanh nghiệp; xác định sẽ xúc tiến nghiên cứu, quảng bá sản phẩm và tiến tới việc hợp tác xuất khẩu các đơn hàng trong năm 2024. Về phía Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường công tác phối hợp, xem xét thẩm định tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất cói Kim Sơn được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ.

     Sau đây là một số hình ảnh của buổi làm việc:

 

 

 

Tác giả: Văn phòng

 

 

Liên kết Website
Khảo sát

Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 9362478
  • Trực tuyến: 12
  • Hôm nay: 847