Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình
Thứ ba, 14/01/2025
Chủ đề công tác: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2024 "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất"

UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

Thứ hai, 21/10/2024 Đã xem: 16
     Sáng 19/10/2024, UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã thực hiện lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác.

 

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam.

     Dự lễ ký kết có các đồng chí: Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ngài Olivier Brochet, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; đại diện Cục Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh; chuyên gia, các công ty trong lĩnh vực điện ảnh và sản xuất phim trong nước.

     Đại biểu tỉnh Ninh Bình dự lễ ký kết có các đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố; Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường; Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh.

     Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, giam đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã trình bày dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam. Đây được xem là cơ sở tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm thu hút làm phim, tổ chức các sự kiện nghệ thuật điện ảnh, thúc đẩy xây dựng phim trường và phát triển công nghiệp điện ảnh với mục tiêu thu hút, xúc tiến làm phim và từng bước xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí của tỉnh Ninh Bình.

anh tin bai

 

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trình bày dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam.

     Trong Biên bản ghi nhớ hợp tác cũng nêu rõ trách nhiệm của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) là chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn; giới thiệu chuyên gia, tư vấn; đồng hành tổ chức thực hiện với UBND tỉnh Ninh Bình các công việc như: Phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh đề xuất các nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh trong thúc đẩy cơ chế, chính sách đặc thù của khu vực thương mại tự do về du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí tại tỉnh Ninh Bình. Phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh xây dựng Đề án Xúc tiến làm phim và phát triển ngành công nghiệp điện ảnh Ninh Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Tư vấn về áp dụng Bộ chỉ số thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến Ninh Bình quay phim, hợp tác sản xuất phim, xây dựng phim trường. Tư vấn, giới thiệu, quảng bá, tổ chức các sự kiện điện ảnh có ảnh hưởng lan tỏa cao giới thiệu tiềm năng thu hút làm phim tại Ninh Bình; Tổ chức xúc tiến, kết nối giữa Ninh Bình với các nhà đầu tư, các tổ chức và cá nhân liên quan để thu hút làm phim, phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng phim trường tại địa phương...

     UBND tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp cùng Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam trong việc tổ chức và thực hiện, bao gồm: Chủ trì và phối hợp cùng VFDA tổ chức một số sự kiện điện ảnh. Thành lập Hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh tỉnh Ninh Bình để phối hợp hoạt động cùng VFDA trong các hoạt động chuyên môn. Xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến và phát triển điện ảnh tại Ninh Bình; Huy động nguồn lực đầu tư sản xuất các bộ phim (phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình, điện ảnh kỹ thuật số) về Ninh Bình. Quy hoạch đất đai cho xây dựng phim trường. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa cho triển khai các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể nhằm xúc tiến và phát triển công nghiệp điện ảnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (thể hiện qua các kế hoạch, hợp đồng).

     Thời gian hợp tác 12 năm, từ năm 2024 đến năm 2035 bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn khởi động (từ năm 2024-2025) chuẩn bị và triển khai một số hoạt động hợp tác ngắn hạn (các sự kiện quảng cáo Ninh Bình qua điện ảnh, thu hút đoàn phim đến Ninh Bình, làm phim tài liệu ngắn, chuẩn bị kịch bản phim truyện về Ninh Bình...) và giai đoạn triển khai thực hiện từ 2026-2035.

     Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu có mặt tại hội nghị để cùng chia sẻ, hỗ trợ tỉnh Ninh Bình cùng phát triển nền công nghiệp điện ảnh cũng như công nghiệp văn hóa của tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ ký kết.

     Đồng chí cho biết, thời những năm qua, tỉnh Ninh Bình không chỉ thu hút được lượng khách du lịch lớn mà còn được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim như: Người Mỹ trầm lặng, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Về nhà đi con, Hương vị tình thân, Vui lên nào anh em oi…

     Tỉnh Ninh Bình đang hướng tới phát triển ngành điện ảnh, là ngành nghệ thuật có khả năng phổ biến rộng rãi, có sức kết nối và lan tỏa thông điệp nhanh, hướng đến đa dạng đối tượng khán giả. Những bối cảnh đẹp, những giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật địa phương... cùng với câu chuyện cuốn hút của các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh sẽ tác động tới tâm trí và tình cảm người xem, thôi thúc họ tìm đến phim trường, vùng đất nơi bộ phim được quay để khám phá, trải nghiệm thực tế. Nhiều dự án phim của Việt Nam và thế giới đã đem lại hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu, mở ra xu hướng dịch chuyển của du khách đến với những địa điểm quay phim, tạo ra "cú húych" cho tăng trưởng du lịch và kinh tế-xã hội của một địa phương và quốc gia.

     Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giới thiệu những tiềm năng, lợi thế quan trọng của tỉnh Ninh Bình đối với sự phát triển, đặc biệt là sự phát triển của công nghiệp văn hóa, về những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên phong phú, đặc sắc, trong đó, tiêu biểu là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực tiêu biểu nhất trên thế giới về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đó là đánh giá, là động lực quan trọng để Ninh Bình quyết tâm đẩy mạnh thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa.

     Với những kết quả đạt được, những năm qua, Ninh Bình nhiều lần được các chuyên trang du lịch quốc tế uy tín bình chọn với thứ hạng cao. Năm 2022, Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Đánh giá của khách du lịch, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông"; top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới.

     Đồng chí cũng giới thiệu những nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó nhấn mạnh Ninh Bình đã chuyển trọng tâm sang bảo tồn giá trị đặc sắc của thiên nhiên, văn hóa, đa dạng sinh học để phục vụ phát triển bền vững, chiến lược này giúp Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng khá cao và bền vững trong 15 năm trở lại đây. Trải qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình đã trở thành tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và du lịch, dịch vụ. Thu ngân sách liên tục tăng cao, từ năm 2022 tỉnh đã tự chủ về ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương. Đây chính là cơ sở, điều kiện, tiền đề quan trọng để Ninh Bình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong đó có điện ảnh. Góp phần hiện thực hoá mục tiêu của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

     Trên cơ sở biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký, đồng chí giao Sở Văn hóa Thể thao là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh tỉnh Ninh Bình; Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển công nghiệp điện ảnh, công nghiệp giải trí tại tỉnh Ninh Bình; đầu tư, phát triển hạ tầng, hệ sinh thái công nghiệp điện ảnh đồng bộ, hiện đại; Thu hút, tổ chức các trại sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật; có kế hoạch hỗ trợ các đoàn làm phim khi về làm việc tại Ninh Bình. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

     Tại buổi lễ ký kết, Đại diện Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội đã giới thiệu những thông tin về Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA).

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh
Văn bản mới
Liên kết Website
Khảo sát

Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 9542047
  • Trực tuyến: 13
  • Hôm nay: 200