
Sáng 16-4/2025, hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã diễn ra theo hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến tới cấp xã và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng của các nội dung cần quán triệt cũng như quy mô, phạm vi tác động ảnh hưởng của các nội dung này.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề 1 về: "Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề 2 về “Sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.
Tiếp đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”. Kế hoạch triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII là Hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung là 2 nhóm vấn đề: Tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau Hội nghị này đến hết năm 2025.
Ba chuyên đề được truyền đạt tại Hội nghị là những nội dung cốt lõi của Hội nghị Trung ương 11 và các văn bản triển khai thực hiện, nhất là Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị thay thế Chỉ thị 35 về tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới; Kế hoạch số 47-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 18 về phân công trách nhiệm triển khai thực hiện với 121 nhóm công việc gắn với thời gian phải hoàn thành được tính theo từng ngày.
Như vậy, về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của Nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện. Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ như vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 yêu cầu chung và 4 lưu ý để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện như sau:
Ba yêu cầu chung là:
(1) Phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một "cuộc cách mạng" về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan toả ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài", phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ Trung ương đến các địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng "quyền anh, quyền tôi", địa phương này, địa phương kia, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì Nhân dân.
(2) Triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan, và phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào.
Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng như: Trước ngày 30/6/2025, phải hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2025 theo lộ trình chuyển tiếp và hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8/2025; hoàn thành sáp nhập các tỉnh trước ngày 01/9/2025; hoàn thành đại hội Đảng tại cấp xã trước ngày 31/8/2025; hoàn thành đại hội cấp tỉnh trước ngày 31/10/2025; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quý I/2026; Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3/2026.
Căn cứ lộ trình nêu trên, khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành sớm các công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần "ổn định sớm để phát triển".
(3) Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, các quy trình, thủ tục lấy ý kiến Nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã. Vận động, tuyên truyền trong Nhân dân, chịu sự giám sát, đóng góp của Nhân dân, tạo sự đồng tình, hưởng ứng triển khai thực hiện của Nhân dân.
Bốn vấn đề cần lưu ý là:
Một là, về thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn; thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương".
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thêm 3 vấn đề cần tiếp tục quán triệt sâu sắc là: (1) Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Là cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. (2) Tinh thần thực hiện phải quyết liệt, khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng", "không được để gián đoạn công việc", "bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ"; lộ trình thực hiện phải bài bản, khoa học, bảo đảm đúng Điều lệ Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương; mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, bảo đảm tầm nhìn xa, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá phù hợp cho phát triển đất nước. (3) Chính quyền địa phương sau sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Hai là, về công tác cán bộ.
Khẳng định cán bộ thuộc phạm vi tác động, ảnh hưởng trong đợt sắp xếp này rất rộng, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo về xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị phải công tâm, khách quan, thực hiện đầy đủ hướng dẫn về công tác cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân, không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền… trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp.
Ba là, về văn kiện đại hội đảng các cấp.
Dự thảo 4 văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 đã bổ sung nhiều nội dung rất quan trọng, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới trong phát triển đất nước, quyết tâm thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao).
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV diễn ra trong bối cảnh đặc thù, khi chúng ta cùng lúc thực hiện nhiều công việc lớn mang tính cách mạng. Vừa sắp xếp, tinh gọn về tổ chức bộ máy - vừa sắp xếp lại đơn vị hành chính - vừa tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế - vừa tổ chức Đại hội. Vì vậy, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Đại hội bảo đảm chặt chẽ, bài bản theo đúng tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là những địa phương mới sáp nhập, hợp nhất.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện của cấp mình, phải hoàn thành dự thảo trước ngày 30/6/2025.
Bốn là, về triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 cùng lúc với thực hiện các công việc lớn quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ về việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 cùng với triển khai nhiều nhiệm vụ, công việc lớn của đất nước, đó là trước mắt cần tập trung triển khai thật tốt các hoạt động, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Tống Bí thư cũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra; chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư; đồng thời triển khai công tác tuyên truyền về kết quả của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.
Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Thạch – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ quán triệt tập thể cán bộ, đảng viên cơ quan Quỹ nắm được các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, cấp ủy chi bộ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ở cơ quan Quỹ./.
Văn bản nội bộ: 15/QĐ-HĐQL
Quyết định ban hành Quy chế Thi đua, khen thưởng và kỷ luật của Quỹ ĐTPT Ninh BìnhVăn bản nội bộ: 14/QĐ-HĐQL
QĐ về việc ban hành Quy chế huy động vốn của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh BìnhVăn bản nội bộ: 13/QĐ-HĐQL
QĐ Ban hành quy chế Quản lý các khoản đầu tư theo hình thức hợp đồng, thực hiện dự án đầu tư của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh BìnhVăn bản nội bộ: 09/QĐ-QĐT
QĐ ban hành Quy chế làm việc của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh BìnhVăn bản nội bộ: 22/QĐ-HĐQL
QĐ ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh BìnhQuỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?