Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình
Thứ tư, 16/10/2024
Chủ đề công tác: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2024 "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất"

Khái quát những điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024

Thứ hai, 01/07/2024 Đã xem: 8

     Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 05 thông qua ngày 18/01/2024 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

(Ảnh minh hoạ trên internet)

     Để phù hợp với diễn biến phát triển của thị trường tài chính, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã được ban hành gồm 15 chương, 210 điều. So với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Các TCTD năm 2024 có một số điểm mới như sau:

     Một là, Luật Các TCTD năm 2024 cấm bán bảo hiểm không bắt buộc với cung ứng dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

     Theo đó, khoản 5 Điều 15 Luật Các TCTD năm 2024 quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với: “…5. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.”

     Quy định này đã thể hiện được sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người vay trong trường hợp ngân hàng bắt buộc mua các khoản bảo hiểm đi kèm khoản vay, các dịch vụ khác của ngân hàng.

     Hai là, Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung theo hướng mở rộng chủ thể phải cung cấp, công bố và công khai thông tin.

     Tại khoản 2 Điều 49 của Luật quy định: Cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp cho TCTD các thông tin: a) Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày và nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; b) Thông tin về người có liên quan theo quy định pháp luật; c) Số lượng, tỉ lệ sở hữu cổ phần của mình tại TCTD đó; d) Số lượng, tỉ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan tại TCTD đó.

     Quy định này nhằm hướng đến kiểm soát, quản lý việc kiểm soát chéo trong TCTD, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn tại TCTD và giữa các cổ đông trong các TCTD, hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Quy định cũng nâng cao tính minh bạch, hướng tới môi trường ổn định cho môi trường tài chính tại Việt Nam.

     Ba là, Luật Các TCTD năm 2024 giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong các TCTD.

     Tại khoản 2, 3, 4 Điều 63 Luật quy định: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD; Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.

     Khoản 11 Điều 210 quy định: Đối với các cổ đông đang sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ so với quy định mới, kể từ ngày Luật Các TCTD năm 2024 có hiệu lực thi hành, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ sở hữu cổ phần quy định mới được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

     Như vậy, quy định mới này góp phần giải quyết hạn chế việc sở hữu chéo giữa các TCTD, hạn chế các hành vi thao túng thị trường tài chính. Tuy vậy, quy định cũng ảnh hưởng đến cơ cấu hoạt động quản trị của các TCTD, đòi hỏi các TCTD phải có những biện pháp quản trị trước sự thay đổi của quy định pháp luật.

     Bốn là, Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính.

     Tại Khoản 2 Điều 102 Luật quy định: TCTD phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ gồm: a) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; b) Khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của TCTD phi ngân hàng; c) Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; d) Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.

     Khoản 3,5,6 Điều 102 Luật quy định: khách hàng phải cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu theo quy định, thông tin về người có liên quan cho TCTD khi đề nghị cấp tín dụng; TCTD có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và trả nợ của khách hàng quy định; có quyền yêu cầu khách hàng vay, khách hàng thuê tài chính báo cáo việc sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh vốn vay, tài sản cho thuê tài chính được sử dụng đúng mục đích; Khách hàng có nghĩa vụ sử dụng vốn vay, tài sản cho thuê tài chính đúng mục đích đã cam kết, hoàn trả nợ gốc, lãi, phí đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.

     Trước đây, Luật Các TCTD quy định khi cấp tín dụng, TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay cho tất cả các khoản vay. Hiện nay, quy định mới của Luật Các TCTD năm 2024 cho phép TCTD cấp tín dụng cho các khoản vay nhỏ khi có một số thông tin như mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng. Quy định này góp phần đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức tiếp cận được các nguồn vốn vay, qua đó, mở ra cơ hội cho việc cấp tín dụng hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế, sản xuất - kinh doanh hiện nay.

     Năm là, Luật Các TCTD năm 2024 quy định về can thiệp sớm các TCTD yếu kém tại Chương IX (từ Điều 156 đến Điều 161) Luật Các TCTD năm 2024.

     Trước đây, quy định về can thiệp sớm được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD năm 2017 tại Điều 130a. Sau thời gian áp dụng cho thấy, việc quản lý và can thiệp sớm các TCTD yếu kém sẽ đảm bảo cho cơ cấu tài chính hoạt động lành mạnh. Do vậy, quy định mới sửa đổi, bổ sung thêm một trường hợp phải thực hiện can thiệp sớm. Đồng thời, quy định những yêu cầu, phương án cụ thể cho các TCTD áp dụng trong thời kỳ bị can thiệp. Quy định này hy vọng sẽ góp phần ổn định hoạt động của các TCTD nói riêng và cơ cấu TCTD nói chung. Đây cũng là công cụ hỗ trợ cho NHNN và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý các TCTD cũng như thị trường tài chính.

     Sáu là, Luật Các TCTD năm 2024 giảm dần giới hạn cấp tín dụng. Mức tín dụng được quy định sẽ giảm dần qua từng năm, bắt đầu từ năm 2026.

     Điều 136 Luật Các TCTD năm 2024 quy định giới hạn cấp tín dụng, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, người có liên quan, cụ thể: a) Từ ngày Luật có hiệu lực thi hành đến trước ngày 01/01/2026, một khách hàng là 14% vốn tự có; một khách hàng và người có liên quan của khách hàng là 23% vốn tự có; b) Từ ngày 01/01/2026 đến trước ngày 01/01/2027, một khách hàng là 13% vốn tự có và 21% đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; c) Từ ngày 01/01/2027 đến trước ngày 01/01/2028, một khách hàng là 12% vốn tự có và 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; d) Từ ngày 01/01/2028 đến trước ngày 01/01/2029: một khách hàng là 11% vốn tự có và 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó; đ) Từ ngày 01/01/2029: một khách hàng là 10% và 15% đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.

     Mức giới hạn tín dụng của tổ chức phi ngân hàng cũng giảm so với trước đây. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng (trước đây 25%); đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD phi ngân hàng (trước đây là 50%).

     Quy định này giúp các TCTD giảm rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, ổn định cơ cấu tài chính. Đồng thời, việc xây dựng lộ trình giảm dần tỉ lệ cấp tín dụng qua từng năm cũng sẽ giúp các doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn tránh bị thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó, quy định này cũng nhằm quản lý, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, giảm tỉ lệ sở hữu của cá nhân trong TCTD. Ngoài ra, việc giảm hạn mức cấp tín dụng cũng giúp cho nhiều cá nhân, tổ chức cần nguồn vốn được tiếp cận nguồn vay vốn. Cơ hội được cấp tín dụng, vay vốn tại ngân hàng sẽ được chia sẻ nhiều hơn qua từng năm.

     Bảy là, Luật Các TCTD năm 2024 bổ sung các quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

     Đối với việc bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu Điều 196 của Luật quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Giá bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ xấu. Đồng thời, khoản 1 Điều 198 của Luật quy định: Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.

     Tại Điều 199 của Luật quy định về việc xử lý nợ xấu và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu như sau: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên: Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm; Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm; Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ; Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ; Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

     Khoản 3 Điều 200 Luật quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các TCTD được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan, nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.

     Như vậy, Luật Các TCTD năm 2024 thiết lập cơ sở pháp lý đối với tài sản bảo đảm, hướng tới tính an toàn, bền vững cho các TCTD trong hoạt động cho vay vốn, nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm. Quy định cũng làm tăng trách nhiệm cho bên vay vốn từ TCTD, đòi hỏi họ phải đảm bảo việc hoàn trả lại khoản vốn và khoản tiền lãi liên quan nếu không muốn các tài sản bảo đảm của mình bị TCTD xử lý theo các quy định. Đồng thời, cũng tăng cường trách nhiệm thẩm định hồ sơ, định giá các tài sản vay vốn cho các TCTD. Do đó, các TCTD cần phải đánh giá, xem xét thận trọng trước khi cấp tín dụng, đặc biệt là cho các dự án đầu tư với thời gian thực hiện lâu dài và nguồn vốn lớn. Điều này sẽ giúp dòng tiền lưu thông trên thị trường đảm bảo hoạt động hiệu quả đúng mục đích, số tiền cấp tín dụng có thể đến được với các tổ chức, cá nhân uy tín, dự án đầu tư tốt.

     Tài liệu tham khảo: TẠI ĐÂY

 

Văn bản mới
Liên kết Website
Khảo sát

Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 9487349
  • Trực tuyến: 119
  • Hôm nay: 730