Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình
Thứ bảy, 19/04/2025
Chủ đề công tác: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2025 "Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ cương, đổi mới sáng tạo, tăng tốc bứt phá"

Nghị định số 78/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, 07/04/2025 Đã xem: 24

    Ngày 01/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

 

Ảnh minh họa từ Internet

    Theo đó, Nghị định gồm 07 chương, 83 điều và 04 phụ lục (gồm: Phụ lục I về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật, viết hoa trong văn bản quy phạm pháp luật; Phụ lục II về mẫu văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; Phụ lục III về mẫu văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Chính quyền địa phương; Phụ lục III về mẫu một số tài liệu trong hồ sơ chính sách, hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật). Một số điểm cần lưu ý của Nghị định 78/2025/NĐ-CP như sau:

    1. Phạm vi điều chỉnh

    Nghị định này quy định chi tiết Điều 7, Điều 31, khoản 1 Điều 32, Điều 34, khoản 1 Điều 36, Điều 69, khoản 4 và khoản 5 Điều 70 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là Luật) và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật về xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; việc cho ý kiến đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không do Chính phủ trình; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; đăng tải văn bản trên công báo điện tử, quản lý công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

    2. Lấy ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

    Nghị định 78/2025/NĐ-CP quy định: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm đăng tải dự án, dự thảo văn bản trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình theo quy định của Luật và Nghị định này, trừ trường hợp nội dung văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

    Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm: Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học về chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật và Nghị định này; xác định nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng đối tượng cần lấy ý kiến, nêu rõ địa chỉ tiếp nhận ý kiến góp ý.

    Việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính trị - xã hội, pháp luật về hội.

    Hình thức lấy ý kiến bao gồm: Lấy ý kiến bằng văn bản; thông qua hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức phù hợp khác; thông qua việc đăng tải dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cổng hoặc trang thông tin điện tử.

    Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý; đăng tải bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý trên cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan mình chậm nhất là 25 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến; thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.

    3. Truyền thông chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

    Theo Nghị định 78/2025/NĐ-CP, việc truyền thông được thực hiện từ thời điểm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đến khi cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thông qua hoặc ban hành.

    Trừ văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nội dung truyền thông bao gồm: Sự cần thiết ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản (bao gồm nội dung mới, sửa đổi, bổ sung của chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật); nội dung khác (nếu có).

    Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng nội dung truyền thông theo quy định bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu để đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình và tổ chức truyền thông bằng hình thức phù hợp.

    4. Đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên công báo điện tử

    Nghị định nêu rõ, văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn, đầy đủ, kịp thời, chính xác trên công báo điện tử theo quy định tại Điều 9 của Luật.

    Không đăng tải văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước; điều ước quốc tế có quy định về việc không đăng tải.

    Văn bản đăng tải trên công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm:

    a) Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành;

    b) Văn bản bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật;

    c) Văn bản công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; danh mục văn bản, quy định hết hiệu lực thi hành;

    d) Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    đ) Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành;

    e) Văn bản khác do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành. Việc đăng tải văn bản quy định tại điểm này do cơ quan ban hành quyết định.

    Văn bản đăng tải trên công báo điện tử cấp tỉnh gồm:

    a) Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cấp huyện ban hành;

    b) Văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái luật ban hành;

    c) Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cấp huyện ban hành;

    d) Văn bản công bố văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành;

    đ) Văn bản khác do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cấp huyện ban hành. Việc đăng tải văn bản quy định tại điểm này do cơ quan ban hành quyết định.

    Gửi văn bản đăng tải trên công báo điện tử

    Cơ quan ban hành văn bản có trách nhiệm gửi bản chính văn bản đăng tải cùng bản điện tử trong thời hạn quy định tại Điều 9 của Luật; việc đăng tải điều ước quốc tế trên công báo thực hiện theo Luật Điều ước quốc tế.

    Văn bản ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn phải được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ngay trong ngày công bố hoặc ký ban hành để đăng tải trên công báo điện tử.

    Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc không gửi hoặc gửi chậm, gửi không đầy đủ, chính xác văn bản để đăng tải trên công báo điện tử.

    Thời hạn đăng tải văn bản trên công báo điện tử

    Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đăng tải văn bản trên công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải văn bản trên công báo điện tử cấp tỉnh;

    Văn bản ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn phải được đăng tải ngay trên công báo điện tử khi nhận được văn bản.

    5. Lập danh mục văn bản quy định chi tiết

    Điều 23, Nghị định 78/2025/NĐ-CP quy định về việc lập danh mục văn bản quy định chi tiết như sau:

    - Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Danh mục văn bản quy định chi tiết bao gồm: nghị định, nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó nêu rõ tên văn bản, cơ quan ban hành văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo, nội dung giao quy định chi tiết và dự kiến thời gian trình hoặc ban hành.

    - Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước có nội dung được giao quy định chi tiết có trách nhiệm:

    + Lập danh mục văn bản quy định chi tiết trong đó nêu rõ tên văn bản được quy định chi tiết; nội dung giao quy định chi tiết; cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp; thời hạn trình ban hành;

    + Lập danh mục các nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết;

    + Gửi danh mục văn bản quy định chi tiết quy định tại điểm a và điểm b khoản này đến Bộ Tư pháp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua; trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành.

    - Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước không do Chính phủ trình thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày được thông qua hoặc ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm rà soát các nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương quy định chi tiết gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo.

    Ngoài ra, tại Điều 24 Nghị định 78/2025/NĐ-CP Chính phủ còn quy định về việc thông báo nội dung giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết như sau:

    - Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về danh mục các nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết theo quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 23 Nghị định 78/2025/NĐ-CP.

    - Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thông báo bằng văn bản cho bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung giao quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nghị định, nghị quyết, quyết định được ký ban hành.

    - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung giao quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thông tư được ký ban hành.

    6. Hiệu lực thi hành

    Nghị định 78/2025/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành là ngày 01/4/2025.

    Đồng thời, Các nghị định sau hết hiệu lực kể từ ngày 01/04/2025 ngày Nghị định 78/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, gồm:

    Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

    Nghị định 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

    Nghị định 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

    Toàn văn Nghị định số 78/2025/NĐ-CP: 78NĐCP ; 78PL1 ;  PL2 ; PL3 ; PL4

BAN BIÊN TẬP

Liên kết Website
Khảo sát

Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?

Thông tin truy cập
  • Truy cập: 9596821
  • Trực tuyến: 4
  • Hôm nay: 222