
Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/6/2025.
Ảnh minh họa từ Internet
Từ ngày 01/6/2025, Nghị định số 70/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự điều chỉnh quan trọng trong quy định về hóa đơn, chứng từ. Những thay đổi trong Nghị định số 70/2025/NĐ-CP không chỉ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hóa đơn, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp phải rà soát lại quy trình lập hóa đơn trong các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ và các lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Việc hiểu rõ và tuân thủ đúng thời điểm lập hóa đơn theo quy định mới sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro pháp lý và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính. Một số điểm mới cần lưu ý của nghị định 70/2025/NĐ-CP như sau:
1. Quy định rõ thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 70/2025/NĐ-CP là quy định lại thời điểm lập hóa đơn trong nhiều tình huống phát sinh thực tế. Theo đó, Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn như sau:
- Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán, chuyển nhượng tài sản công và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn thương mại điện tử, hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: Kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
2. Sửa quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a, e, l, m, n khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như cung cấp dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần thời gian đối soát số liệu (điểm a), hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô (điểm e), hoạt động cho vay, đại lý đổi ngoại tệ (điểm l), hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách bằng xe taxi có sử dụng phầm mềm tính tiền (điểm m), hoạt động khám chữa bệnh (điểm n).
Theo đó, thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động cho vay được xác định theo kỳ hạn thu lãi tại hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng đi vay, trừ trường hợp đến kỳ hạn thu lãi không thu được và tổ chức tín dụng theo dõi ngoại bảng theo quy định pháp luật về tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu được tiền lãi vay của khách hàng. Trường hợp trả lãi trước hạn theo hợp đồng tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu lãi trước hạn.
3. Bổ sung quy định về thời điểm lập hóa đơn cho các ngành nghề mới
Một điểm mới của Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bổ sung quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với một số ngành nghề đặc thù như bảo hiểm, xổ số và casino. Theo đó, căn cứ điểm 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p, q, r khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:
- Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm ghi nhận doanh thu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Đối với xổ số truyền thống và xổ số biết kết quả ngay, doanh nghiệp xổ số lập một hóa đơn tổng hợp cho từng đại lý trước thời điểm mở thưởng kỳ tiếp theo.
- Trong lĩnh vực casino và trò chơi điện tử có thưởng, doanh nghiệp phải lập hóa đơn điện tử chậm nhất là 1 ngày kể từ thời điểm kết thúc ngày xác định doanh thu, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng chuyển dữ liệu ghi nhận số tiền thu được (do đổi đồng tiền quy ước cho người chơi tại quầy, tại bàn chơi và số tiền thu tại máy trò chơi điện tử có thưởng) trừ đi số tiền đổi trả cho người chơi (do người chơi trúng thưởng hoặc người chơi không sử dụng hết) theo Mẫu 01/TH-DT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế cùng thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử. Ngày xác định doanh thu là khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút đến 23 giờ 59 phút cùng ngày.
4. Sửa đổi thời điểm lập chứng từ
Tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi Điều 31 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập chứng từ được quy định như sau
- Tại thời điểm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, thời điểm thu thuế, phí, lệ phí, tổ chức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí, phải lập chứng từ, biên lai giao cho người có thu nhập bị khấu trừ thuế, người nộp các khoản thuế, phí, lệ phí.
- Thời điểm ký số trên chứng từ là thời điểm tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí điện tử sử dụng chữ ký số để ký trên chứng từ điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch.
5. Hướng dẫn chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy
Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy được thực hiện theo quy định như sau:
- Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.
- Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử và hóa đơn, chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.
- Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được chuyển đổi thành hóa đơn, chứng từ giấy thì hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trên đây là một số điểm mới của Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Việc quy định rõ thời điểm lập hóa đơn theo từng ngành nghề và tình huống phát sinh sẽ giúp các cơ quan, doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính minh bạch và nhất quán trong hoạt động tài chính – kế toán. Đồng thời, là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – kế toán một cách hiệu quả hơn.
Đính kèm Nghị định số 70/2025/NĐ-CP.
BAN BIÊN TẬP
Văn bản nội bộ: 09/QĐ-QĐT
QĐ ban hành Quy chế làm việc của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh BìnhVăn bản nội bộ: 22/QĐ-HĐQL
QĐ ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Ninh BìnhVăn bản nội bộ: 27/QĐ-HĐQL
Quyết định v/v ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tiền ký gửi quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh BìnhQuỹ phát triển đất tỉnh Ninh Bình: 102/2024/QĐ-UBND
Quyết định V/v ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất tỉnh Ninh BìnhQuỹ phát triển đất tỉnh Ninh Bình: 871/QĐ-UBND
Quyết định thành lập Quỹ phát triển đất tỉnh Ninh BìnhQuỹ đầu tư phát triển Ninh Bình thành lập từ năm nào?