“Trình tự thủ tục thẩm định” TẠI QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NINH BÌNH
Thứ tư - 10/06/2015 21:09
Khi các tổ chức, doanh nghiệp (chủ đầu tư) có nhu cầu vay vốn tại Quỹ để thực hiện dự án, chủ đầu tư gửi Quỹ hai bộ hồ sơ theo (Danh mục hồ sơ dự án cho vay) của Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình. Trình tự thủ tục thực hiện như sau: 1. Tiếp nhận hồ sơ: Lãnh đạo phòng Kế hoạch - Thẩm định nhận hồ sơ từ phòng Tín dụng - Ủy thác bàn giao, phân công cán bộ thẩm định trong phòng tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định thẩm định. Trong thời gian 03 ngày làm việc, cán bộ phòng thẩm định kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ vay vốn: - Đối với hồ sơ vay vốn không thuộc đối tượng vay vốn tại Quỹ cán bộ thẩm định báo cáo trưởng phòng xin ý kiến Ban lãnh đạo Quỹ chỉ đạo để trả lại hồ sơ cho chủ đầu tư. - Đối với các dự án thuộc đối tượng vay vốn: + Hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, cán bộ thẩm định báo cáo trưởng phòng và gửi văn bản đề nghị đơn vị vay vốn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. + Sau khi kiểm tra, đánh giá hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cán bộ thẩm định tiến hành tập hợp, thẩm định hồ sơ lập báo cáo thẩm định trình Giám đốc Quỹ xem xét, phê duyệt: * Trường hợp được lãnh đạo Quỹ đồng ý chấp thuận cho vay, cán bộ thẩm định soạn thảo quyết định cho vay trình Giám đốc Quỹ phê duyệt. Căn cứ quyết định được phê duyệt, cán bộ thẩm định tập hợp hồ sơ lập biên bản chuyển giao hồ sơ cho phòng Tín dụng - Ủy thác thực hiện các bước tiếp theo. * Trường hợp lãnh đạo Quỹ không chấp thuận cho vay, cán bộ phòng thẩm định soạn thảo công văn trả lời Chủ đầu tư không đồng ý cho vay.
2. Thời gian và hiệu lực thẩm định: - Tùy tính chất, quy mô của từng dự án và cấp thẩm quyền phê duyệt, thời gian thẩm định tối đa là 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. - Đối với báo cáo thẩm định dự án thời gian hiệu lực của kết quả thẩm định là 12 tháng kể từ ngày phê duyệt kết quả thẩm định. - Đối với tài sản đảm bảo nợ vay, thời gian hiệu lực của kết quả thẩm định là 3 tháng.
3. Đối tượng thẩm định : - Các dự án thuộc đối tượng cho vay của Quỹ; - Các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị vay vốn của Quỹ - Tài sản bảo đảm nợ vay.
4. Điều kiện thẩm định : 4.1. Đối với dự án: Hoàn chỉnh các nội dung của một dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật và đầy đủ các hồ sơ pháp lý về đầu tư và xây dựng; - Có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi; - Có phương án bảo đảm trả được nợ; - Có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam.
4.2. Đối với chủ đầu tư: - Là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; - Có tình hình tài chính rõ ràng và lành mạnh, đủ năng lực tham gia đầu tư dự án và có khả năng trả nợ vay; - Đáp ứng được các quy định về tài sản bảo đảm nợ vay. 4.3. Đối với tài sản đảm bảo nợ vay: - Chủ sở hữu đối với tài sản đảm bảo nợ vay phải có văn bản cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật là tài sản đảm bảo nợ vay không cầm cố/thế chấp/bảo lãnh ở bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tại thời điểm vay vốn của Quỹ; - Các tài sản đảm bảo phải có đủ giấy tờ hợp pháp liên quan theo quy định pháp luật hiện hành.
5. Nội dung thẩm định
5.1. Đối với dự án Tùy theo tính chất dự án, thực hiện một phần hoặc toàn bộ cần phân tích, đánh giá các nội dung sau đây: - Cơ sở pháp lý của dự án; - Nhu cầu và sự cần thiết đầu tư của dự án; - Kỹ thuật - công nghệ, máy móc thiết bị, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, giá thành, khả năng cạnh tranh, thị trường (đầu vào, đầu ra) của sản phẩm; - Tác động môi trường, xã hội của dự án; - Phương án tài chính, nguồn thu của dự án, khả năng hoàn trả nợ vay, khả năng thu hồi vốn đầu tư của dự án, các nguồn thu khác của chủ đầu tư (nếu có); - Các yếu tố rủi ro tiềm ẩn về tính hiệu quả tài chính - kinh tế - xã hội của dự án; - Tổng thể tính khả thi về hiệu quả tài chính, kinh tế, xã hội của dự án. 5.2. Đối với chủ đầu tư cần thẩm định: - Năng lực pháp lý; - Năng lực quản lý, năng lực chuyên môn đối với chủ đầu tư; - Năng lực tài chính (bao gồm cả thẩm định uy tín trong quan hệ tín dụng). 5.3. Đối với tài sản bảo đảm nợ vay cần thẩm định: - Tính pháp lý của quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản và các pháp lý khác có liên quan; - Giá trị tài sản bảo đảm nợ vay tại thời điểm thẩm định; - Khả năng chuyển đổi thành tiền của tài sản (tính thanh khoản).
Tác giả bài viết: Phạm Hồng Điệp - Phó, Trưởng phòng Kế hoạch - Thẩm định